/BMXC NEWS/: Bí quyết làm ăn sinh tồn qua mùa dịch – Kỳ 1: Bánh mì Xin Chào sống qua mùa dịch

TTO – Dịch giã làm rất nhiều ngành nghề và doanh nghiệp trên thế giới kiệt quệ, nhưng không ít người đã tìm ra lối thoát. Bí quyết là gì?

Các thành viên của BMXC khai trương cửa hàng nhượng quyền thương hiệu tại Nagoya, Nhật tháng 8 năm nay

Nói chuyện với Bùi Thanh Tâm, đồng sáng lập thương hiệu Bánh mì Xin Chào (BMXC), giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang nóng tại Nhật, tôi bất ngờ khi nghe anh nói “thực ra thì chúng tôi lại đang có một số lợi thế” lúc này.

Hai tháng có thêm hai cửa hàng

“Thực tế, cửa hàng chúng tôi đang vô tình có được những lợi thế nhất định trong dịch bệnh. Vì bánh mì là món ăn rất tiện dụng để mua nhanh, bán gọn.

Khách hàng có thể ghé vào, mua đi rất nhanh, dễ dàng tuân thủ các biện pháp phòng lây nhiễm khi không tụ tập, đứng lâu ngoài đường hay tiếp xúc gần người khác và nhân viên bán hàng” – Tâm chia sẻ khi tôi hỏi dịch bệnh có gây khó khăn gì cho việc kinh doanh của chuỗi cửa hàng BMXC ở Nhật lúc này không.

Nhờ vậy mà bất chấp dịch bệnh hơn một năm qua, chuỗi cửa hàng BMXC của hai anh em Bùi Thanh Duy (anh) và Bùi Thanh Tâm vẫn tiếp tục phát triển và tăng hiệu quả nhận diện thương hiệu. Mới đây, trang fanpage của BMXC đã nhận dấu tick xanh – một tín hiệu cho thấy độ “phủ” thương hiệu BMXC đã ở mức tích cực.

Sau gần 5 năm gầy dựng sự nghiệp kinh doanh tại Nhật, từ 2 cửa hàng lúc trước dịch COVID-19, đến hiện tại chuỗi BMXC đã mở tổng cộng 7 cửa hàng cố định (3 cửa hàng do anh em Tâm sở hữu, 4 cửa hàng là nhượng quyền thương hiệu) tại Tokyo và một số tỉnh thành, cùng một xe bán hàng lưu động tại Tokyo.

Trong đó, tháng 7 và tháng 8 dịch giã gay gắt năm nay, BMXC lại mở liên tiếp hai cửa hàng tại Sapporo, Nagoya và đều được sự đón nhận của khách hàng.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ ngày 6-8 vừa qua, nhưng chiếc xe bán bánh mì lưu động được nhượng quyền thương hiệu BMXC đã ký được thỏa thuận với chuỗi siêu thị Itoyokado (lớn thứ hai sau Aeon) để có thể bán phía trước các siêu thị của họ. Đây là lợi thế rất lớn, không phải đơn vị bán lẻ đồ ăn nào cũng đạt được.

“Người Nhật có một đặc điểm có thể gọi là một phần dân tộc tính của họ, đó là khá bảo thủ trong lựa chọn hàng hóa. Họ luôn thận trọng trước một sản phẩm mới, nhưng khi đã dùng và tin tưởng, họ sẽ trung thành với sản phẩm đó có thể tới suốt đời” – Tâm chia sẻ.

Anh nhắc tới một vị khách người Nhật vô cùng đặc biệt của BMXC, nhiều năm qua đều đặn mỗi tuần đều ăn bánh mì từ 3-4 lần trong bữa trưa.

Ngoài việc bán tại cửa hàng, trong mùa dịch, việc bán hàng qua các ứng dụng (app) cũng giúp doanh số BMXC tăng cao.

Cơ chế linh hoạt trong hợp tác giữa nhà cung cấp nền tảng ứng dụng và người bán hàng ở Nhật (cho phép người bán linh hoạt mức giá niêm yết để đảm bảo có lãi sau khi đã khấu trừ lợi nhuận cho nền tảng và các chi phí khác) đã tạo đà cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa như BMXC.

Với các kênh bán hàng đa dạng, ước tính mỗi ngày doanh thu trung bình từ một cửa hàng thuộc sở hữu của BMXC tại Tokyo khoảng 30 triệu đồng.

Muốn chậm mà chắc

Nhìn về đường dài, Tâm nói muốn BMXC xây dựng được một bếp trung tâm lớn, đủ năng lực cung cấp số hàng hóa quy mô công nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm khắt khe ở Nhật cũng như giữ chất lượng ổn định của các sản phẩm mang thương hiệu BMXC.

Có lý do để vì sao tới giờ BMXC chỉ mới nhượng quyền thương hiệu cho 4 cơ sở và một xe bán lưu động mà không phải nhiều hơn, dù hàng chục đối tác đã ngỏ ý hợp tác. “Nếu muốn có tiền thật nhiều và nhanh, tôi có thể nhượng quyền cho vài chục đối tác ngay lúc này, nhưng điều đó sẽ không đảm bảo cho đường dài phát triển, tôi không muốn làm ăn kiểu “khôn lỏi” như vậy” – Tâm nói.

Thực tế, trong số 4 chi nhánh và một xe bán hàng lưu động theo mô hình nhượng quyền hiện nay của BMXC, có 2 người chủ từng là thành viên cũ của họ “ra riêng”. Việc lựa chọn đối tác nhượng quyền là điều mang ý nghĩa sống còn cho việc duy trì và phát triển thương hiệu BMXC, nên với Tâm đó là điều quan trọng nhất.

“Việc lựa chọn đối tác nhượng quyền rất quan trọng với chúng tôi, vì đó sẽ là người chúng tôi trao gửi cả bí quyết làm bánh cũng như kiến thức vận hành cửa hàng” – Tâm giải thích.

Bùi Thanh Tâm bên xe bánh mì lưu động do BMXC nhượng quyền thương hiệu trong ngày khai trương 6-8 năm nay tại Tokyo

Vì sao là BMXC?

Tâm kể lại hồi là sinh viên năm thứ ba ngành kinh tế tại ĐH Yokkaichi ở thành phố Yokkaichi, tỉnh Mie, có lần đi chơi anh thấy một quầy bánh Kebab bên đường. Tâm ghé mua ăn thử, thấy cũng ngon nhưng không quá hấp dẫn.

Theo Tâm, công bằng mà nói thì bánh mì Việt ngon hơn, lại đầy đủ rau thịt, tốt cho sức khỏe hơn rất nhiều. Anh chợt nhận ra ở Nhật chưa có thương hiệu nào nổi bật bán bánh mì Việt Nam, dù trước đó đã có vài đơn vị nhưng dường như không quá hiệu quả và cũng chưa tập trung chú trọng xây dựng thương hiệu.

Ngay lập tức trong chiều hôm đó, Tâm gọi điện cho Duy, bàn với anh trai kế hoạch mở chuỗi cửa hàng bánh mì với thương hiệu BMXC.

“Trong 10 loại bánh mì đang bán của BMXC, có một loại là ý tưởng sáng tạo riêng của Tâm khi kết hợp món thịt ngâm nước mắm với dưa gỏi chua làm nhân bánh.

“Đây là món ăn quen thuộc ở quê tôi và chúng tôi thường chỉ được ăn trong ngày tết. Tôi đã nghĩ nếu dùng món thịt mặn mặn ngọt ngọt này kết hợp với gỏi thì chắc là rất hợp. Và thực sự tới giờ nhiều thực khách người Nhật đã rất ghiền loại bánh này!” – Tâm kể.

BMXC ra đời khi Tâm đang là sinh viên năm ba, sau nửa năm hoạt động đã thành đề tài luận văn tốt nghiệp vào tháng 4-2017 của cậu sinh viên 26 tuổi.

Luận văn hoàn toàn thuyết phục hội đồng bảo vệ vì đã chứng minh bằng kết quả thực tế và được bình chọn đại diện cho khoa kinh tế để so tài cùng các khoa khác trong mùa tốt nghiệp năm đó.