Báo Dân Trí: Tiệm bánh mì hương vị Hội An trên đất Nhật Bản đón 500 khách mỗi ngày

Từ ngày đầu lập nghiệp nơi xứ người, đến nay hai chàng trai đất Quảng đã tạo dựng 6 tiệm bánh mì, nhân rộng chuỗi trên khắp Nhật Bản, mang bánh mì Việt giới thiệu tới khách quốc tế.

Dùng khoản tiền mừng cưới để khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở vùng rốn lũ Đại Lộc, Quảng Nam, hai anh em Bùi Thanh Duy, sinh năm 1986 và Bùi Thanh Tâm, sinh năm 1991, sang Nhật Bản du học với hi vọng đổi đời.

Một lần khi ghé thăm một khu chợ sầm uất ở Tokyo, hai chàng trai đất Quảng nhìn thấy hàng dài người xếp hàng chờ mua món bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với niềm đam mê món ăn mang hương vị Hội An của quê nhà, hai chàng trai ấp ủ dự định mở quán mang thương hiệu của riêng mình.

“Bánh mì Việt rất ngon, lại được đưa vào từ điển Oxford của Anh, vậy tại sao mình không mở một cửa tiệm ngay trên đất Nhật?”, Thanh Tâm trăn trở.

Trong khi người em đầy khí thế khởi nghiệp, thì anh trai Thanh Tâm băn khoăn nhiều hơn. Mới kết hôn hơn một năm, vợ lại đang đi học, nên chuyện mở quán với anh không dễ dàng. Nhưng rồi vợ anh lại đồng ý lấy khoản tiền cưới để làm vốn khởi nghiệp.

Anh Thanh Tâm, sáng lập thương hiệu "Bánh Mì Xin Chào" ở Nhật Bản (Ảnh: Thanh Tâm).
Anh Thanh Tâm, sáng lập thương hiệu “Bánh Mì Xin Chào” ở Nhật Bản (Ảnh: Thanh Tâm).

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, hai anh em Duy – Tâm gặp vô vàn khó khăn. Để mở quán, “Bánh Mì Xin Chào” phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, tìm xưởng sản xuất nhận làm bánh mì theo kiểu Việt Nam, bài toán về thuê địa điểm, nhân sự…

“Tìm được mặt bằng kinh doanh ở Nhật rất khó khăn bởi chúng tôi không thể mở cửa tiệm ở tầng 2. Để có được cửa hàng ở tầng 1 thuộc con phố sầm uất tại Tokyo là chuyện không dễ dàng. Sau nhiều lần nghiên cứu và cân nhắc, chúng tôi tìm được cửa tiệm nhỏ xinh nằm ở phố Waseda Dori. Đây vốn là khu kinh doanh ẩm thực, nhưng cũng là thách thức với một cửa tiệm bánh mì nhỏ chưa hề có tên tuổi”, anh Duy tâm sự.

Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục hồ sơ pháp lý, vượt qua các đợt kiểm tra từ cơ quan chức năng địa phương, “Bánh Mì Xin Chào” chính thức ra mắt vào tháng 10/2016.

Mang hương vị Việt bay xa

Chỉ vài tháng sau ngày khai trương, “Bánh Mì Xin Chào” đã gặt hái những “trái ngọt” đầu tiên. Mỗi ngày, quán bán ra khoảng 200 chiếc. Cùng với đó, thực khách có thể chọn một số sản phẩm đi kèm như nước giải khát hoặc cà phê.

Thời điểm này, truyền thông Nhật Bản bắt đầu chú ý tới cửa tiệm nhỏ. Các phóng viên báo đài như tờ tin tức Chunichi hay trang Ameblo.jp cũng tới đưa tin.

Không gian quán gợi nhớ tới hình ảnh của Hội An.
Không gian quán gợi nhớ tới hình ảnh của Hội An.

“Người Nhật Bản có thói quen thích những món ăn tiện lợi, không tốn quá nhiều thời gian, có thể cầm đi để thưởng thức. Bánh mì Việt là một trong những món có thể đáp ứng tiêu chí đó. Để đảm bảo chuẩn hương vị món ăn, chúng tôi phải tự trồng rau thơm trên đất Nhật.

Các sản phẩm khác như thịt, giò, chả, đều do cửa tiệm tự làm. Riêng với bánh mì, chúng tôi phải trải qua nhiều lần nghiên cứu mới tìm được công thức hoàn chỉnh, đặt riêng nhà máy để sản xuất mỗi ngày”, người đứng đầu cửa tiệm cho biết.

Quán hiện phục vụ hơn chục loại bánh mì, với giá từ 106.000 đồng.
Quán hiện phục vụ hơn chục loại bánh mì, với giá từ 106.000 đồng.

Từ hương vị của chiếc bánh mì Hội An ngày đầu, nay quán đã ra đời cả chục vị khác nhau để thực khách thỏa sức lựa chọn, từ bánh mì chả, bánh mì gà salad, bánh mì thịt heo nướng, bánh mì tôm bơ, bánh mì thịt gà nướng, bánh mì đặc biệt, bánh mì thịt heo muối nước mắm, bánh mì đặc biệt chả bò, bánh mì ốp la, bánh mì ăn kèm bò sốt vang cho tới bánh mì nướng muối ớt.

Trong đó, mỗi loại lại mang tới những hương vị đặc trưng riêng.

Hiện giá bánh từ 650 Yên đến 750 Yên (106.000 đồng – 125.000 đồng). Ngoài bánh mì, quán còn phục vụ thêm phở bò, mì Quảng, bún, các món gỏi, đồ uống và đồ tráng miệng.

“Trung bình, cửa tiệm đón khoảng 500 khách tới mua bánh mì mỗi ngày. Món ăn được đánh giá dễ ăn, dễ mang đi nên chinh phục được khách bản địa. Hơn nữa, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản khá đông.

Việc khách tìm tới quán ăn phục vụ các món quê hương với chi phí hợp lý, giúp chúng tôi bán được vài trăm chiếc hàng ngày”, nhà sáng lập “Bánh Mì Xin Chào” chia sẻ.

Tương lai rộng mở

Sau gần chục năm phát triển và trưởng thành, từ một cửa tiệm nhỏ, đến nay, “Bánh Mì Xin Chào” đã nhân rộng thành chuỗi cửa hàng trên khắp Nhật Bản, qua đó ghi đậm nét ẩm thực đặc sắc của Việt Nam ở “xứ sở hoa anh đào”.

Ông Lê Nguyễn (ngoài cùng bên trái) trong ngày khai trương một trong 16 cửa hàng trên đất Nhật.
Ông Lê Nguyễn (ngoài cùng bên trái) trong ngày khai trương một trong 16 cửa hàng trên đất Nhật.

Đồng hành với “Bánh Mì Xin Chào” từ những ngày đầu, doanh nhân Lê Nguyễn, Giám đốc Senkyu, là người giúp nhân rộng thành 16 cửa hàng trên lãnh thổ “xứ sở phù tang”.

Được biết, khi cửa tiệm được truyền thông Nhật Bản chú ý, ông Lê Nguyễn đã quyết định đồng hành cùng dự án với mục tiêu “một mũi tên trúng hai đích”.

“Bên cạnh việc đưa ẩm thực Việt tới gần hơn với người dân Nhật Bản, chúng tôi muốn tận dụng thế mạnh về trang mạng, nhóm cộng đồng với hàng triệu thành viên ở Nhật để quảng bá thương hiệu bánh mì nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung”, ông Lê Nguyễn nói.

Link gốc bài viết trên báo Dân Trí